Trao Quyết định công nhận Ban Đại diện lâm thời Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô Việt Nam


Trao Quyết định công nhận Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô Việt Nam

(Google Translation to English)

Sáng 30/5, tại Văn phòng làm việc của Ban Đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam (tên quốc tế là The Church of Latter – Day Saints, viết tắt là LDS, trong nước thường gọi Giáo hội Mặc Môn), quận Cầu Giấy, Hà Nội đã diễn ra Lễ đón nhận Quyết định công nhận Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam.

Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã đến trao Quyết định công nhận.

Dự buổi lễ, khách mời trong nước có lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; Đại diện một số Bộ, ban ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Khách mời quốc tế có Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam; ông Elder Gerrit W.Gong, Lãnh đạo Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky tô tại 18 nước thuộc khu vực Châu Á; ông David Moon, lãnh đạo truyền giáo khu vực Campuchia.

Đại biểu tham dự buổi lễ

Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Kitô được hình thành ở Mỹ vào đầu thế kỷ XIX, có trụ sở Trung ương giáo hội tại thành phố Salt Lake, bang Utah, Hoa Kỳ. Giáo hội Mặc Môn là một tôn giáo có uy tín trên thế giới với giáo lý, luật lệ, lễ nghi và đường hướng hoạt động ôn hòa, thượng tôn pháp luật. Giáo hội Mặc Môn hiện nay có khoảng gần 16 triệu tín đồ, phạm vi ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khoảng 80.000 nhà truyền giáo, 141 đền thờ, 4 trường đại học và cao đẳng, 15 trung tâm huấn luyện truyền giáo. Được truyền vào Việt Nam từ năm 1962, hiện nay Giáo hội Mặc Môn Việt Nam có khoảng gần 1000 tín đồ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.

Ban Đại diện lâm thời Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam được công nhận căn cứ theo Quyết định số 132/QĐ-TGCP ngày 30/5/2014 của Ban Tôn giáo Chính phủ. Ban Đại diện lâm thời Mặc Môn Việt Nam là cơ quan đại diện cho cộng đồng tín đồ Mặc Môn Việt Nam trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Ông Hoàng Văn Tùng được bầu làm Trưởng ban Đại diện lâm thời Nhiệm kỳ I (5/2014 – 5/2016)

Tại buổi lễ, ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao Quyết định công nhận cho Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam.  Ông Phạm Dũng chúc mừng và bày tỏ niềm vui trước bước tiến mới của Giáo hội Mặc Môn Việt Nam. Ông đánh giá cao nếp sống đạo lành mạnh, đạo đức, thượng tôn pháp luật và gắn bó với cộng đồng của tín hữu Mặc Môn. Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng việc Nhà nước công nhận Ban Đại diện lâm thời sẽ giúp cộng đồng tín hữu Mặc Môn Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục khẳng định và phát huy nếp sống đạo tốt đẹp, hoàn thiện các điều kiện tiến tới đề nghị Nhà nước công nhận thành tổ chức tôn giáo thứ 38 tại Việt Nam.

Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trao Quyết định công nhận cho Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam

Ông Phạm Dũng phát biểu chúc mừng

Ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng ban Đại diện lâm thời cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành trong nước, các cơ quan ngoại giao và đặc biệt là sự giúp đỡ Ban Tôn giáo Chính phủ với cộng đồng tín hữu Mặc Môn. Ban Đại diện lâm thời hứa sẽ hướng dẫn cho các tín hữu sinh hoạt tôn giáo, gắn bó với cộng đồng, tuân thủ pháp luật và hoàn thành các nghĩa vụ công dân.

Ông Hoàng Văn Tùng được bầu làm Trưởng ban Đại diện lâm thời Nhiệm kỳ I (5/2014 – 5/2016)

Ông Elder Gerrit W.Gong, Lãnh đạo Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky tô tại 18 nước thuộc khu vực Châu Á phát biểu chúc mừng và cảm ơn Chính phủ Việt Nam.

Ông Phạm Dũng nhận quà lưu niệm của Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam

Quyết định công nhận Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam